Ngày 6-2, tại tỉnh Ninh Thuận, Hội Chiếu
sáng Việt Nam (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) phối hợp với các doanh nghiệp
sản xuất đèn chiếu sáng tổ chức hội nghị triển khai dự án “Thí điểm sử
dụng đèn LED thay thế các nguồn sáng truyền thống trong đánh bắt thủy,
hải sản góp phần giảm phát khí thải nhà kính”. Dự án do Quỹ môi trường
toàn cầu – Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP – GEF
SGP) tài trợ.
Các chuyên gia cho rằng, công nghệ chiếu
sáng truyền thống bằng các loại đèn cao áp dây tóc, halogen, đèn huỳnh
quang, đèn compact… thường “ngốn” một lượng năng lượng khổng lồ, khiến
chi phí vận hành cho mỗi chuyến ra khơi của ngư dân tăng lên đáng kể.
Các nhà khoa học cũng đã thực hiện một cuộc nghiên cứu, khảo sát và phát
hiện nhiên liệu dầu cung cấp cho chiếu sáng dẫn dụ thủy hải sản chiếm
tới hơn 50% tổng chi phí cho mỗi đợt ra khơi đánh bắt, gây nhiều khó
khăn cho ngư dân. Do đó, việc triển khai công nghệ chiếu sáng dẫn dụ
thủy hải sản bằng đèn LED tại Việt Nam sẽ là giải pháp hiệu quả cả về
kinh tế lẫn môi trường.
Theo các chuyên gia, việc giảm chi phí
chiếu sáng, tiết kiệm năng lượng là những lợi ích thiết thực từ việc ứng
dụng công nghệ đèn LED trong đánh bắt xa bờ. Ngoài ra, công nghệ chiếu
sáng bằng đèn LED để đánh bắt thủy hải sản còn có ý nghĩa về mặt bảo vệ
môi trường, khi trung bình lượng dầu diesel tiết kiệm được trong một chu
kỳ đi biển của một chiếc tàu là 3.400 lít, tương đương với giảm phát
thải hơn 3 tấn khí carbon gây hiệu ứng nhà kính. Còn ngư dân thì được
lợi vì giảm hao phí nhiên liệu, tiết kiệm tiền mua bóng đèn, bởi tuổi
thọ của đèn cao áp thông thường trong môi trường trên biển chỉ 3 - 4
tháng, trong khi đèn LED có tuổi thọ tới 50.000 giờ.
Chi phí năng lượng cho ánh sáng dẫn dụ
thủy hải sản bằng LED được khảo sát với 2 loại hải sản đặc thù là cá mực
và cá kiếm. Khi đánh bắt ven bờ chi phí năng lượng tiêu thụ của dàn đèn
LED chỉ tiêu tốn bằng 1/10 chi phí so với các loại đèn truyền thống với
đánh bắt cá mực và thậm chí con số này chỉ còn 1/20 với việc đánh bắt
cá kiếm. Những chuyến hải trình đánh bắt xa bờ, chi phí năng lượng dùng đèn LED thấp hơn từ 10 đến 12 lần so với đèn truyền thống. Theo Hội
Chiếu sáng Việt Nam, việc sử dụng đèn LED trong đánh bắt thủy hải sản đã
phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga,
Nauy, Peru… và đều đạt hiệu quả cao. Hiện nay, với nhiều lợi ích sẽ mang
lại cho ngư dân và môi trường, công nghệ chiếu sáng dẫn dụ thủy hải sản
bằng đèn LED được xem là giải pháp tối ưu để thay thế các loại bóng đèn
chiếu sáng đánh bắt thủy hải sản truyền thống. Có thể nói, những lợi
ích thiết thực từ việc ứng dụng công nghệ đèn LED trong đánh bắt xa bờ,
được xem là chìa khóa vàng cho ngành công nghiệp tàu cá Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét